Xây dựng cơ chế liên quan tín chỉ carbon và năng lượng hydrogen

(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tập trung xây dựng các quy định liên quan quản lý tín chỉ carbon rừng, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán, áp mái, sản xuất hydrogen tại Việt Nam, đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực…

Theo Baochinhphu.vn, tại phiên họp lần thứ tư Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Ban chỉ đạo COP26), Ban chỉ đạo tập trung thảo luận về: Huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam hướng tới mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 về đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050;

Kế hoạch thực hiện cam kết chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, các dự án giảm phát thải từ rừng và nông nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo COP26, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, những hạn chế cần rút kinh nghiệm, như việc xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách để ưu tiên cho chuyển đổi xanh, phát triển xanh còn chậm, chưa chủ động, trong đó có quy định liên quan tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen.

Bên cạnh đó, việc đàm phán, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt từ đối tác quốc tế còn chậm; việc xây dựng báo cáo về chuyển đổi năng lượng công bằng trong từng lĩnh vực hầu như chưa được triển khai do vấn đề còn mới đối với các bộ, ngành; nhận thức của một bộ phận cán bộ thi hành công vụ về phát triển xanh còn hạn chế.

Ông cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững; phải thúc đẩy  thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.

Mục tiêu phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện. Việc kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng. Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố JETP, xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; chủ động và tích cực trao đổi, thảo luận với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) và các bên liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định quản lý tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc tích hợp sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trình Chính phủ trong quí 2-2024.

Cơ quan này cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tham khảo kinh nghiệm của các nước, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam bảo đảm việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 7-2023; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẩn trương xây dựng tiêu chí về tăng trưởng xanh.

Về phía Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện, trình ban hành Cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Cơ quan này cũng được yêu cầu ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán, áp mái; hoàn thiện Chiến lược sản xuất hydrogen tại Việt Nam; đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực.

Th.Huy