Việt Nam mong muốn hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực

(KTSG Online) – Tại hội đàm giữa Việt Nam – Hà Lan vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị phía Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU, mở rộng hợp tác trên lĩnh vực như văn hóa, giáo dục. Liên quan đến ngoại giao, phía Việt Nam và Nhật Bản cũng có buổi trao đổi về mở rộng hợp tác ở lĩnh vực dệt may.

Baochinhphu.vn đưa tin, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Lan, hôm 26-6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Carola Schouten (Hà Lan).

Hai bên cho biết, Việt Nam và Hà Lan đều đang có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, cùng hướng đến một nền kinh tế xanh, bền vững, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang cùng các đối tác G7 thực hiện chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững.

Tại hội đàm, đại diện phía Việt Nam đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam  EU (EVIPA) và ủng hộ Uỷ ban châu Âu (EC) gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đồng thời, hai bên mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như văn hóa xã hội bảo hiểm, xã hội, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực.

Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Hà Lan tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại nước này, đồng thời, khẳng định Việt Nam luôn tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nhân đến đầu tư, trong đó, có Hà Lan.

Theo TTXVN, liên quan đến hoạt động giao thương với các nước, vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản về Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Hội đồng quản trị Fast Retailling (một tập đoàn sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Uniqlo).

Hai bên trao đổi về hợp tác ở những lĩnh vực như mở rộng mạng lưới sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, chống hàng giả hàng nhái tại Việt Nam.

Phía Hội đồng quản trị Fast Retailling mong muốn Bộ Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực dệt may, tạo điều kiện để liên doanh mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương đồng ý với quan điểm trên, đồng thời đề nghị công ty có những chính sách để tăng tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam cả trong quản trị sản xuất, quản trị chất lượng…

Cũng theo bản tin trên, Bộ Công Thương cho rằng, với cam kết tại COP26 đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường nhờ đó dần tạo được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu dài hạn.

Tại cuộc họp, hai bên cũng thống nhất việc trao đổi để tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Uniqlo Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam; trong đó, tập trung vào những nội dung chính là phát triển thương mại, thúc đẩy việc sản xuất trong nước và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

T.Đào