(KTSG Online) – Lượng phát hành trái phiếu huy động vốn cho dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ở Đông Nam Á tăng lên 5,6 tỉ đô la Mỹ trong quí 2, cao hơn 52,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG), đây là quí thứ 3 liên tiếp doanh số phát hành trái phiếu ESG trong khu vực tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực này dự kiến tăng tốc phát hành trái phiếu ESG trong quí 3 vì đề phòng sự biến động mạnh của thị trường tài chính và tín dụng trong quí cuối năm khi Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống.
Dữ liệu của LSEG cũng cho thấy, trong khi doanh số trái phiếu ESG toàn cầu giảm 17,3%, còn 184,9 tỉ đô la trong quí 2 thì thị trường trái phiếu ESG của Đông Nam Á lại hoạt động vượt trội.
Nếu so sánh với khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) thì Đông Nam Á cũng tăng trưởng tốt. Doanh số trái phiếu ESG của châu Á – Thái Bình Dương trong quí vừa qua giảm 33,3%, còn 39,5 tỉ đô la.
Rahul Sheth, người đứng đầu bộ phận trái phiếu bền vững toàn cầu của ngân hàng Standard Chartered (Anh) cho biết, doanh số trái phiếu ESG tăng lên ở Đông Nam Á một phần là nhờ các đợt phát hành lớn của các tổ chức nhà nước.
Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) chiếm gần một nửa lượng phát hành trái phiếu ESG của khu vực trong quí 2. Gần đây, MAS phát hành 2,5 tỉ đô la trái phiếu xanh kỳ hạn 30 năm với mức lãi suất 3,3%. Dữ liệu của LSEG cũng cho thấy, khi huy động tài chính bền vững, doanh nghiệp Đông Nam Á xem trái phiếu ESG như là công cụ nợ ưu tiên hơn các khoản vay ESG từ ngân hàng.
Mike Ng, giám đốc bền vững của ngân hàng OCBC (Singapore) lưu ý, doanh nghiệp e ngại lãi vay thả nổi từ ngân hàng có thể tăng lên để bù đắp cho lãi suất tiền gửi đang tăng cao. Nhìn chung, thị trường trái phiếu ESG được xem là kênh huy động vốn trong dài hạn tốt hơn so với vốn vay từ ngân hàng.
Rahul Sheth dự báo, mối quan tâm đối với trái phiếu ESG sẽ ngày càng tăng khi nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á xem tài chính bền vững là phần cốt lõi trong chiến lược huy động vốn tổng thể.
Nhiều doanh nghiệp ở khu vực này dự kiến tăng tốc phát hành trái phiếu ESG trong quí 3 vì đề phòng sự biến động mạnh của thị trường tài chính và tín dụng trong quí cuối năm khi Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống. Các tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu ESG lớn nhất ở Đông Nam Á trong quí 2 lần lượt là Standard Chartered, HSBC và Citi.
Cũng theo dữ liệu của LSEG, các khoản vay ESG từ các ngân hàng ở Đông Nam Á trong quí 2 tăng nhẹ 3,9%, lên 5,9 tỉ đô la. Trong khi đó, các khoản vay ESG trên toàn cầu trong cùng quí giảm 18,9%, xuống còn 148,2 tỉ đô la.
Mike Ng của OCBC giải thích, sự vượt trội của khu vực này cho thấy, các ngân hàng và nhà đầu tư trong khu vực tích cực trao đổi với doanh nghiệp về các vấn đề ESG. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á đang đối mặt áp lực ngày càng gia tăng để chuyển sang mô hình kinh doanh thải ít carbon hơn.
“Các nhà tài trợ trong khu vực, cả các tổ chức đầu tư lẫn ngân hàng đang tăng cường nỗ lực trao đổi với doanh nghiệp về các mục tiêu bền vững, bao gồm khử carbon. Khi ngày càng có nhiều ngân hàng giảm tài trợ cho những hoạt động kinh doanh phát thải cao, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh”, ông nói.
Ông dự báo, nhu cầu vay vốn ESG trong khu vực sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các ngân hàng và doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đưa lượng phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero) cũng như đưa mục tiêu ESG vào chiến lược kinh doanh.
Các chính phủ Đông Nam Á cũng đang giới thiệu hệ thống phân loại tài chính bền vững. Động thái này sẽ khuyến khích các ngân hàng cung cấp tài chính xanh cho nhiều ngành kinh doanh hơn.
Lim Wee Seng, người đứng đầu bộ phận năng lượng tái tạo và hạ tầng ở ngân hàng DBS (Singapore) kỳ vọng, nhận thức ngày càng tăng của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu vực đối với các cơ hội ESG sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường vốn vay ESG từ ngân hàng trong khu vực.
Theo Business Times