(KTSG Online) – Một nhóm nước do Saudi Arabia dẫn đầu đã chặn đựng một thỏa thuận của khối 20 nền kinh tế lớn (G20) nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy bất đồng toàn cầu về vai trò tương lai của dầu mỏ, khí đốt và than đá khi thế giới chật vật chống biến đổi khí hậu.
- G7 nhất trí tăng tốc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
- Châu Âu từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga với tốc độ nhanh không ngờ
Hôm 22-7, các nước G20 đã công bố một tài liệu tóm tắt sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng tại hội nghị bộ trưởng năng lượng của nhóm này ở Goa, Ấn Độ. Tài liệu cho biết một số nước thành viên G20 nhấn mạnh nỗ lực cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được sản xuất mà không thu được khí thải phải “phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia khác nhau”.
Một số nguồn nắm rõ nội dung với các cuộc đàm phán cho biết, Saudi Arabia thể hiện tiếng nói mạnh mẽ nhằm chống lại kế hoạch giảm dần tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Quan điểm này được một số nước G20 khác ủng hộ.
Trong các cuộc đàm phán trước đây bao gồm tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc ở Ai Cập hồi cuối năm ngoái, Nga và Trung Quốc liên tục phản đối kế hoạch tăng tốc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, tại một hội nghị ở Nhật Bản hồi tháng 4, khối các cường quốc G7 đã đồng ý đẩy nhanh tốc độ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Hội nghị bộ trưởng năng lượng G7 ở Goa cũng không đạt được tiến bộ trong việc thiết lập mục tiêu toàn cầu về phát triển năng lượng tái tạo. Bế tắc xảy ra khi nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến các mẫu hình thời tiết khắc nghiệt bao gồm những đợt nắng nóng bất thường và lũ lụt.
Liên minh châu Âu (EU) là bên ủng hộ hàng đầu cho các nỗ lực chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, vốn chiếm khoảng 3/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn bao gồm Saudi Arabia và Nga phản đối đề xuất tăng công suất năng lượng tái tạo của G20 lên gấp 3 lần vào năm 2030.
Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới cũng như hai nhà xuất khẩu than lớn Nam Phi và Indonesia cũng phản đối đề xuất trên. Với tư cách là chủ tịch của G20, Ấn Độ có quan điểm trung lập về vấn đề này.
Alden Meyer, đối tác cấp cao của E3G, tổ chức tư vấn chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp, ghi nhận đã có “sự bất đồng gay gắt” tại hội nghị bộ trưởng năng lượng G20 “xung quanh nhu cầu chuyển đổi công bằng, nhanh chóng và bình đẳng khỏi nhiên liệu hóa thạch”.
“Với các kỷ lục về nhiệt độ được thiết lập hàng ngày trên khắp thế giới và tác động của biến đổi khí hậu vượt khỏi tầm kiểm soát, thế giới cần lắng nghe lời kêu gọi hành động rõ ràng. Thay vào đó, những gì chúng tôi nghe được là cuộc bàn luận rất nhàm chán”, Meyer nói.
Phát biểu cuối hội nghị, RK Singh, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ, thừa nhận việc giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch là một điểm gây căng thẳng trong các cuộc thảo luận nhưng phần lớn các nước G20 ủng hộ nỗ lực này.
Các bất đồng trên khiến hội nghị bộ trưởng G20 kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung.
Một báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) ước tính, chi phí chuyển đổi năng lượng lên đến 4 nghìn tỉ đô la/năm trên toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ tài chính chuytển đổi năng lượng cho các nước đang phát triển. Đây cũng là yêu cầu chính của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ấn Độ đã cam kết đạt mức phát thải zero ròng vào năm 2070.
Việc không đạt được thỏa thuận tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng xanh có khả năng gây sức ép để Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tăng cường thảo luận với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Nước này sẽ chủ trì Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) vào tháng 12 tới.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Công nghệ tiên tiến và công nghiệp của UAE, Sultan al-Jaber, người được chỉ định làm Chủ tịch COP28 đã đưa ra tầm nhìn cho hội nghị sắp tới. Đó là, tập trung chủ yếu vào tài chính khí hậu cho các nước nghèo để giúp những nước này ứng phó với hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu và nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo.
Mục tiêu đặt ra là giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch được sản xuất mà không thu giữ được lượng khí thải của chúng vào năm 2050.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, lượng khí thải toàn cầu cần phải cắt giảm 43% vào năm 2030 để ngăn nhiệt độ tăng vượt qua 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là ngưỡng tăng nhiệt độ mà các nhà khoa học cảnh sẽ dẫn đến thay đổi không thể đảo ngược đối với hành tinh và những hậu quả tàn khốc đối với người dân toàn cầu.
Tuy nhiên, thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ từ 2,4-2,6 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Hiện tại, nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Lê Linh
Theo Financial Times, Reuters