(KTSG Online) – Trải qua hơn hai năm khó khăn và khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng chuyển hướng mạnh mẽ tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
- Kinh tế xanh, chúng ta đang ở đâu?
- Sản xuất xanh, lựa chọn để thay đổi
- Diễn đàn Kinh tế xanh: Thích ứng và Phát triển hậu đại dịch
Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.
Xuất phát từ sự gia tăng mối quan tâm đối với các sản phẩm xanh trên toàn cầu, nhiều công ty đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường. Chính phủ các nước cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Hầu hết các quốc gia đang phát triển ở châu Á đã xây dựng các bộ luật bảo vệ môi trường.
Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng.
Việt Nam có khởi đầu tương đối muộn về tiêu dùng xanh song đã có những sự chuyển biến đáng kể. Trong những năm gần đây, sự quan tâm của người dân đối với môi trường đã được cải thiện. Chính phủ đã đầu tư không ít trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, triển khai các hoạt động và chương trình gắn nhãn sinh thái cho các sản phẩm. Đến nay, trong hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh trong nước đã có nhiều chủng loại, như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, đèn chiếu sáng, ô tô và nhiều mặt hàng khác.
Tuy nhiên, tiêu dùng xanh cũng gặp phải những thách thức trong việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh.
Phiên thảo luận thứ ba của Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 – Thích ứng và phát triển hậu đại dịch với chủ đề “Sống xanh – tiêu dùng xanh” sẽ bàn đến những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt và phương án để doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt được thị trường và có được sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm – dịch vụ được tạo ra dưới hình thái “kinh tế xanh”.
Diễn đàn Kinh tế xanh 2022, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 00 ngày 22-4 với chủ đề “Thích ứng và phát triển hậu đại dịch”.
Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 chủ đề: Kinh tế xanh, chúng ta đang ở đâu?; Sản xuất xanh, lựa chọn để thay đổi; và Sống xanh – Tiêu dùng xanh.Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín và nhà kinh doanh tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, diễn đàn được kỳ vọng sẽ trờ thành nơi cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm cũng như lan tỏa tinh thần “xanh” tạo lập một hệ sinh thái quốc gia sản xuất, tiêu dùng phát triển bền vững.
KTSG Online