(KTSG Online) – Đi theo xu hướng chung trên toàn cầu, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…
Trong vòng một giờ đồng hồ của Phiên thảo luận thứ hai của Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 – Thích ứng và phát triển hậu đại dịch với chủ đề “Sản xuất xanh, lựa chọn để thay đổi”, quý độc giả sẽ được nghe những câu chuyện thực tế về việc các doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất xanh ra sao, những vấn đề họ gặp phải và những thách thức họ phải đương đầu khi lựa chọn để thay đổi.
Diễn đàn Kinh tế xanh 2022, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 00 ngày 22-4 với chủ đề “Thích ứng và phát triển hậu đại dịch”.
Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 chủ đề: Kinh tế xanh, chúng ta đang ở đâu?; Sản xuất xanh, lựa chọn để thay đổi; và Sống xanh – Tiêu dùng xanh.Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín và nhà kinh doanh tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, diễn đàn được kỳ vọng sẽ trờ thành nơi cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm cũng như lan tỏa tinh thần “xanh” tạo lập một hệ sinh thái quốc gia sản xuất, tiêu dùng phát triển bền vững.
KTSG Online