(KTSG Online) – Trong nhiều năm, các nhà bán lẻ thời trang nhanh như H&M, Uniqlo và Zara tìm cách lôi kéo người tiêu dùng mua càng nhiều quần áo mới càng tốt. Giờ đây, những doanh nghiệp này đang cung cấp dịch vụ sửa chữa quần áo cũ trong nỗ lực cải thiện hình ảnh về bảo vệ môi trường.
- Sự thâm nhập nhanh chóng của thời trang tuần hoàn
- Châu Âu đề xuất thu phí xử lý rác thải với nhà sản xuất hàng dệt may
Ngành công nghiệp thời trang đang đứng áp lực từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhằm giảm bớt tác động môi trường. Trong bối cảnh này, việc sửa quần áo thay vì vứt đồ đã sửa dụng giúp giảm lãng phí đồng thời giúp giảm sử dụng tài nguyên mới để sản xuất sản phẩm thay thế quần áo cũ.
Trong năm nay, Zara (Tây Ban Nha) sẽ triển khai dịch vụ sửa chữa trên toàn quốc tại một số thị trường lớn nhất của thương hiệu này. Uniqlo của Nhật Bản đang bổ sung các xưởng sửa chữa cho một số cửa hàng. Trong khi đó, thương hiệu Cos thuộc sở hữu của H&M (Thụy Điển) cũng hợp tác với một công ty khởi nghiệp để giúp khách hàng sửa váy và áo khoác bị hư hỏng.
Nỗ lực giảm tác động môi trường
Trong khi một số thương hiệu thời trang xa xỉ từ lâu đã cung cấp dịch vụ sửa chữa các sản phẩm đắt tiền thì việc triển khai dịch vụ này ở quy mô lớn lại là một dự án mới đối với các nhà bán lẻ thời trang phổ thông. Xu hướng này cũng có thể đe dọa làm suy giảm doanh số bán các sản phẩm mới.
Ông Óscar García Maceiras, CEO của Inditex, chủ sở hữu Zara, cho biết dịch vụ sửa chữa quần áo cũ và các sáng kiến bền vững khác là một “nỗ lực để chuyển đổi công ty chúng tôi và ngành thời trang”.
Nhà bán lẻ này đang triển khai dịch vụ “Zara pre-owned”, cho phép khách hàng sửa chữa, bán hoặc tặng quần áo đã qua sử dụng tại các cửa hàng và nền tảng trực tuyến của Zara tại Pháp, Đức và Tây Ban Nha trong năm nay. Dịch vụ này sẽ ra mắt tại tất cả các thị trường lớn vào năm 2025 sau khi bắt đầu triển khai ở Anh vào cuối năm ngoái.
Tại Anh, Zara nhận quần áo để sửa chữa và xử lý các khoản thanh toán nhưng sử dụng mạng lưới các thợ sửa chữa bên thứ ba để thực hiện công việc. Về phí dịch vụ, giá sửa một lỗ thủng khoảng 10 bảng Anh, cỡ 13 đô la Mỹ. Công ty cho biết, dịch vụ sửa chữa là chìa khóa cho những nỗ lực bền vững, giúp khách hàng kéo dài tuổi thọ của quần áo và giảm lãng phí.
Với H&M, công ty này cho rằng, việc kéo dài tuổi thọ của quần áo thông qua sửa chữa và các biện pháp khác “là rất quan trọng để giảm tác động đến môi trường.”
Các phân tích cảnh báo, các nỗ lực phát triển bền vững như vậy có thể trở thành lực cản đối với doanh số bán hàng mới. Tuy nhiên, H&M vẫn đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số bán hàng trong thập niên này đồng thời giảm một nửa tác động đến môi trường.
Theo Quỹ Ellen MacArthur, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Anh, trung bình cứ mỗi giây, có một xe tải chở quần áo cũ đem chôn hoặc đốt tiêu hủy trên toàn cầu, tương đương 92 triệu tấn hàng may mặc bị vứt bỏ ở các bãi chôn lấp hàng năm. Quần áo mua từ các nhãn hiệu thời trang nhanh thường bị vứt bỏ sau chưa đầy một năm sử dụng.
Hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu thông qua chiến lược mới, kêu gọi các công ty thời trang hoạt động ở châu Âu áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Các nhà lập pháp đang soạn thảo hơn 10 luật mới, yêu cầu các thương hiệu làm cho quy trình sản xuất trở nên xanh hơn và có trách nhiệm cao hơn đối với rác thải liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý toàn cầu khác và các tổ chức đa quốc gia gồm Liên hợp quốc cũng đang thúc đẩy ngành thời trang chuyển đổi xanh. Trong đó, theo Hiến chương hành động khí hậu của ngành trang do Liên hợp quốc phát động, các bên ký kết bao gồm Gap, H&M và Inditex đã cam kết giảm lượng khí thải.
Các thương hiệu thời trang đang quan tâm nhiều hơn đến số phận của những sản phẩm sau khi rời khỏi cửa hàng. Doanh nghiệp tái chế hoặc kéo dài tuổi thọ của quần áo cũ bằng cách vá các lỗ rách.
Đối với các thương hiệu sang trọng như Hermès hay Louis Vuitton, sửa chữa được xem là dịch vụ thiết yếu. Chi phí sửa một chiếc túi xách hoặc áo khoác của các thương hiệu này có khả năng khiến khách hàng tiêu tốn hàng nghìn đô la.
Khó mở rộng quy mô
Đối với các thương hiệu phổ thông bán quần áo rẻ hơn, dịch vụ sửa chữa có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Người tiêu dùng có thể không thấy nhiều lợi ích khi sửa chữa những chiếc quần, áo cũng vì không tốn nhiều tiền khi mua sản phẩm mới. Thêm vào đó, ngay cả khi khách hàng làm như vậy thì các thương hiệu cũng có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô dịch vụ sửa chữa .
Cho đến nay, thương hiệu Uniqlo đã mở 21 xưởng sửa chữa “Re.Uniqlo Studio” trên khắp thế giới. Năm trong số cửa hàng này ở Mỹ, nơi khách hàng có thể trả 5 đô la cho một sửa chữa đơn giản.
H&M đã triển khai trạm sửa chữa tại các cửa hàng ở bảy thành phố, bao gồm Paris và Stockholm. Nhà bán lẻ này cũng cung cấp các hướng dẫn sửa chữa trực tuyến và bán các sản phẩm bao gồm các miếng vá có thiết kế đẹp để khuyến khích khách hàng tự sửa chữa quần áo.
“Đây là dịch vụ được đánh giá cao ở những nơi chúng tôi cung cấp”, Helena Helmersson, CEO của H&M cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, bà cho rằng, với một thương hiệu có giá cả phải chăng thì “rất khó để thu hút nhu cầu ở mức có thể tạo lại lợi nhuận”. Vì vậy, thay vì sửa chữa, việc bán lại quần áo cũ có thể vẫn là động lực chính cho nỗ lực giảm thiểu rác thải của H&M.
Đối với thương hiệu cao cấp Cos của H&M, dịch vụ sửa chữa có tính khả thi kinh tế hơn. Cos vận hành 254 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó có 20 cửa hàng ở Anh và 11 cửa hàng ở Mỹ.
Hồi tháng 5, Cos bắt đầu cung cấp dịch vụ sửa chữa trên toàn nước Anh. Dịch vụ được triển khai thông qua sự hợp tác của The Seam, một nền tảng kỹ thuật số hoạt động như một Uber để sửa chữa thời trang, giúp kết nối các cá nhân hoặc doanh nghiệp với đội ngũ thợ sửa chữa độc lập. Seam tính phí dịch vụ 20% cho mỗi công việc.
Layla Sargent, người sáng lập The Seam vào năm 2019, cho biết nhu cầu đang tăng 20% so với tháng trước khi xu hướng sửa chữa quần áo cũ đang trên đà phát triển. Các mặt hàng được sửa chữa qua nền tảng này thường có giá bán từ 80 bảng Anh trở lên. Nền tảng này cho phép các thương hiệu cung cấp dịch vụ sửa chữa mà không cần xây dựng năng lực riêng.
“Trừ khi họ có một xưởng sửa chữa lớn với đội ngũ đông đúc của những người có tay nghề cao nếu không thì sẽ nhanh chóng gặp phải tình trạng tắc nghẽn”, bà nói.
Alex Brinck, một thợ sửa chữa quần áo ở London, nhận việc qua The Seam, cho biết nhu cầu sửa chữa tăng lên trong những năm gần đây khi nhiều người thích thú với ý tưởng giảm tiêu dùng và lãng phí.
Với Brinck, người chuyên về hàng dệt kim, thường tính phí từ 15-200 bảng Anh cho một công việc và mới cắt ngắn chiếc đầm cocktail nạm pha lê trị giá 3.000 bảng của Gucci thì những công việc có giá trị thấp tuy không mang lại hiệu quả về mặt tài chính nhưng vẫn quan trọng về mặt đạo đức.
Theo cô, các thương hiệu thời trang xứng đáng được ghi nhận khi thử nghiệm dịch vụ sửa chữa. Tuy nhiên, để tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa đối với tác động đến môi trường, doanh nghiệp cần đào tạo hàng nghìn thợ sửa chữa mới có khả năng đáp ứng nhu cầu.
“Hàng ngày tôi nhận được yêu cầu sửa chữa từ mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả Hồng Kông và Mỹ. Điều này cho thấy thợ sửa chữa thời trang lành nghề hiếm đến mức nào”, Brinck nói.
Chánh Tài
Theo WSJ