Ngành dệt may đối diện với thách thức mới từ thị trường châu Âu

(KTSG Online) – Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp dụng thêm quy tắc EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) đối với sản phẩm dệt may. EU là nhà mua hàng dệt may lớn của Việt Nam, vì thế, doanh nghiệp dệt may đang có kế hoạch làm việc với các đối tác, hệ thống phân phối để chủ động xây dựng giải pháp thực hiện nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường EU đặt ra.

Trước đó, vào ngày 20-7, trên báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng có bản tin “Châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may” với một phần nội dung dẫn thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam rằng, Ủy ban châu Âu (EC) đã có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với doanh nghiệp sản xuất dệt may. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất dệt may đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may, đồng thời hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.

Trước thông tin này, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5694/VPCP-CN ngày 27-7-2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng phản ánh nêu trên, xây dựng giải pháp triển khai phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2023.

Trong báo cáo dài 18 trang với tiêu đề “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may được hỗ trợ bởi các quy tắc chung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại EU” của Quỹ Ellen MacArthur xuất bản tháng 7-2022 thì trung bình mỗi năm người dân châu Âu loại bỏ khoảng 11 kg áo quần, và đây là những áo quần còn rất mới vì người dân mặc 7-8 lần là bỏ đi.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu chung của EU (JRC), mỗi năm có từ 3,3 đến 3,7 triệu tấn quần áo và đồ dệt gia dụng có khả năng bị loại bỏ. Theo đó, chỉ có 38% được thu gom, còn lại là được đốt, hoặc chôn lấp nên gây ra ô nhiễm môi trường và tăng lượng phát thải khí nhà kính, một phần nội dung trong báo cáo nói trên cho biết.

Trong thông cáo báo chí phát đi vào ngày 5-7 về vấn đề này, EU cho biết, mỗi năm châu Âu tạo ra 12,6 triệu tấn chất thải dệt may. Chỉ riêng quần áo và giày dép đã thải ra 5,2 triệu tấn chất thải, tương đương với 12 kg chất thải mỗi người mỗi năm. Hiện tại, chỉ có 22% chất thải dệt may sau tiêu dùng được thu gom riêng để tái sử dụng hoặc tái chế, phần còn lại thường được đốt hoặc chôn lấp. Đây là lý do EU áp dụng Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

EU lý giải rằng, sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế riêng cho hàng dệt may ở EU, phù hợp với Chiến lược của EU về hàng dệt may tuần hoàn và bền vững. Nguồn kinh phí để thực hiện là đến từ công ty sản xuất, theo EU, điều này cũng sẽ khuyến khích các công ty giảm chất thải và tăng tính tuần hoàn của các sản phẩm dệt may, theo hướng thiết kế các sản phẩm tốt hơn ngay từ đầu.

Tuy nhiên, hiện chưa có một quy định về số tiền cụ thể mà các công ty sản xuất dệt may phải trả cho chương trình EPR. EU cho biết, số tiền mà các công ty sản xuất dệt may phải trả sẽ dựa trên hiệu suất môi trường của hàng dệt may của từng công ty. Dự kiến quy định này áp dụng từ năm 2025.

Trong bản tin – Châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may của Báo Sài Gòn Giải phóng, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết, nếu EU áp dụng chương trình trên cũng đồng nghĩa buộc các doanh nghiệp sản xuất dệt may phải có giải pháp thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế riêng cho hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU. Điều này là rất khó nên trước mắt hiệp hội cũng như doanh nghiệp dệt may gấp rút làm việc với các đối tác, hệ thống phân phối để chủ động xây dựng giải pháp thực hiện nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường EU đặt ra.

Theo thống kê, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, những tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, trong đó, đáng chú ý là vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng thấp… . Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo nếu thị trường phục hồi tốt trong 6 tháng cuối năm nay, xuất khẩu dệt may cả năm có thể đạt 47 tỉ đô la Mỹ. Còn ngược lại, giá trị xuất khẩu chỉ vào khoảng 45 tỉ đô la, cao hơn một chút so với năm 2022.

C.P