(KTSG Online) – Chính phủ Indonesia lên kế hoạch cấm xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của các ngành công nghiệp trong nước.
- Indonesia cấm xuất khẩu quặng bauxite từ giữa năm tới
- Indonesia cân nhắc mua dầu giá rẻ của Nga để hạ nhiệt giá nhiên liệu trong nước
Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia (CMMIA) cho biết thông tin trên. Theo đó, Indonesia vẫn tôn trọng các hợp đồng xuất khẩu LNG đã ký kết nhưng sẽ dừng gia hạn đối các hợp đồng đã hết hạn.
“Chúng ta đã xuất khẩu LNG trong nhiều năm nhưng bây giờ, chúng ta cần nhiên liệu này. Chúng ta không muốn xuất khẩu nữa. Đối với các hợp đồng đã ký kết, bằng mọi cách, hãy tiếp tục thực hiện. Với những hợp đồng đã hết hạn, hãy dừng lại”, ông Pandjaitan nói trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Thu hồi và lưu trữ carbon quốc tế và Indonesia (ICCSC) năm 2023 ở Jakarta hôm 30-5.
Ông cho biết, cơ quan này sẽ sớm gửi báo cáo về hoạt động xuất khẩu LNG cho Tổng thống Joko Widodo và cũng lưu ý rằng, chính phủ muốn sử dụng nguồn LNG xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp hóa dầu và nhiên liệu methanol, nơi nhu cầu khí đốt đang ở mức cao. Hiện nay, Indonesia vẫn đang phải nhập khẩu các mặt hàng hóa dầu. Tuy nhiên, dự án phát triển ngành công nghiệp hóa dấu ở tỉnh Bắc Kalimantan được kỳ vọng sẽ giúp giảm nhu cầu nhập khẩu.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia cho rằng, việc tăng thêm nguồn cung cho nhu cầu trong nước sẽ giúp giảm giá khí đốt về mức 6 đô la/ MMBtu (1 triệu đơn vị nhiệt Anh). Dự báo, giá khí đốt thậm chí có thể giảm mạnh hơn nữa nhờ hiệu quả khai thác của các giếng dầu khí cải thiện.
“Tiết kiệm chi phí sản xuất (ở các ngành công nghiệp trong nước) là vấn đề quan trọng và đó là cách chúng ta xây dựng đất nước”, ông nói.
Trong khi đó, Jodi Mahardi, Thứ trưởng CMMIA phụ trách điều phối năng lượng, nhận định chính sách này sẽ tác động tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, khuyến khích tăng trưởng công nghiệp trong nước và duy trì các cam kết xuất khẩu hiện có.
Indonesia là một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2022, Indonesia xuất khẩu 15 triệu tấn LNG, đứng thứ 6 thế giới. Các thị trường LNG chính của Indonesia bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Mexico.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà cung cấp Indonesia đã ký các hợp đồng xuất khẩu LNG khoảng 10 triệu tấn mỗi năm và chúng sẽ hết hạn vào năm 2030. Con số đó chiếm khoảng 50% năng lực xuất khẩu khí đốt của Indonesia mỗi năm.
Hôm 31-5, Dwi Soetjipto, người đứng đầu SKK Migas, cơ quan quản lý dầu khí thượng nguồn Indonesia, tiết lộ Indonesia đang mở rộng sản xuất khí đốt. Sản lượng khí đốt tăng thêm sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Năm ngoái, giá khí đốt và đô la Mỹ tăng mạnh, gây tổn thương cho những nước nghèo phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ở châu Á.
Không giống như hầu hết các nước châu Á, Indonesia có nguồn cung LNG trong nước rất lớn nhưng nhu cầu đối với nhiên liệu siêu lạnh vẫn mạnh trên thị trường quốc tế sau khi giá giảm từ các mức cao kỷ lục hồi năm ngoái. Điều này khuyến khích các nhà sản xuất LNG ở Indonesia tăng cường xuất khẩu và có thể đe dọa an ninh nguồn cung trong nước giống như đã đã xảy ra ở Úc.
Indonesia, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 4 thế giới vào năm 2019, cũng đang có kế hoạch chuyển đổi các nhà máy sản xuất điện bằng dầu diesel sang khí đốt. Theo đó, Indonsia sẽ chuyển sang sử dụng khí đốt ở ít nhất 52 nhà máy sản xuất điện bằng dầu diesel. Hiện có 5.200 nhà máy điện diesel tại 2.130 địa điểm trên khắp Indonesia.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên khoáng sản và năng lượng Indonesia, Arifin Tasrif cho rằng, cách nhanh nhất để giảm phát thải khí nhà kính và chi phí là đốt khí thay vì diesel để sản xuất điện.
Theo sáng kiến Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), nhóm cường quốc công nghiệp G7 cùng Đan Mạch và Na Uy sẽ tài trợ vốn vay 20 tỉ đô la trong 3-5 năm để hỗ trợ Indonesia tăng tốc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Ông Tasrif hy vọng dự án chuyển đổi sang sử dụng khí đốt ở các nhà máy sản xuất điện bằng diesel có thể được đưa vào JETP.
Lê Linh
Theo Antara, Bloomberg, Tempo