Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nếu không đáp ứng tiêu chuẩn ESG

(KTSG Online) – Nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế hiện xem bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ. Do đó, nếu các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc và là cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đã lưu ý như trên tại tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” với chủ đề: Hành động hướng tới Net Zero, diễn ra ngày 23-9, tại TPHCM.

Ngoài ra, cũng theo ông Don Lam, người tiêu dùng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch.

Tuy vậy, theo ông Don Lam, để thực hiện xanh hóa nền kinh tế cần sự chung tay của rất nhiều nguồn lực. Nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

“Kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư lớn là rất cần thiết và quan trọng để thúc đẩy đầu tư và cung cấp nguồn vốn cho phát triển xanh”, ông Don Lam lưu ý.

Để tiếp cận ESG, theo ông, bước đầu các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và ban lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn thì sẽ có những chiến lược phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao phúc lợi cho nhân viên.

Doanh nghiệp cũng cần xây dựng bộ phận chuyên trách và theo dõi quá trình thực hiện ESG và là đầu mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối tác thương mại về các thông tin liên quan đến ESG.

Ngoài ra, cần thực hiện kiểm toán ESG nội bộ và đánh giá toàn diện các bộ phận, nhà máy để nhận diện các rủi ro chính về ESG và kế hoạch cải thiện. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được mình đang ở đâu, gặp phải những vấn đề gì và lộ trình trước mắt như thế này.

Song song đó, cần có hệ thống ghi chú, lưu trữ thông tin liên quan đến thực hành ESG của mình.

Theo ông Don Lam, với vai trò là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực ESG, trong những năm gần đây, VinaCapital đã rất tích cực hỗ trợ các công ty để họ hiểu được tầm quan trọng của ESG bằng cách gửi thư cho các công ty mà tập đoàn này đầu tư đề xuất áp dụng ESG vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức nhiều hội thảo và đào tạo cho các doanh nghiệp về vấn đề này.

Bên cạnh đó, tập đoàn đang hợp tác để xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Long An cùng với Tập đoàn GS Energy của Hàn Quốc, mục tiêu cung cấp điện cho toàn bộ khu vực miền Nam. “Nhà máy điện này ban đầu được lên kế hoạch là nhà máy điện than, vì vậy chúng tôi rất vinh dự là đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch”, ông Don Lam nói.

Cũng theo ông Don Lam, VinaCapital đã đầu tư đáng kể vào năng lượng mặt trời, thông qua việc hợp tác với EDF Renewables – công ty năng lượng tái tạo – thành lập công ty SkyX. Hiện nay, SkyX đang phát triển và vận hành hơn 100 MW năng lượng sạch tại hơn 40 nhà máy và khu công nghiệp ở Việt Nam, giúp giảm phát thải hơn 90.000 tấn carbon mỗi năm.

Ngoài ra, tập đoàn này còn vừa thành lập quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, chuyên đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm. Đây là một loại hình đầu tư đầu tiên ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã có những mô hình tương tự ở các nước phát triển.

Người dẫn dắt Tập đoàn VinaCapital khẳng định rằng áp dụng ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư mà còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra cơ hội kinh doanh mới với các đối tác quốc tế.

Cơ hội phát triển thị trường carbon

Cũng liên quan phát triển bền vững, tại diễn đàn, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), cho rằng kinh tế xanh không còn là sự chuyển đổi theo nhiệm ý, mà đã trở thành sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Mô hình kinh tế tuyến tính, nơi chỉ có khai thác và tận dụng tài nguyên, không còn là lựa chọn thích hợp cho việc phát triển bền vững và lâu dài. Các doanh nghiệp đã dần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, người tiêu dùng cũng dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm mang “thương hiệu xanh””, ông Trai nói.

Theo ông Trai, lộ trình giảm phát thải ròng về mức Net Zero đã được cam kết của hơn 190 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26).

Bên cạnh các nỗ lực giảm phát thải carbon, thị trường carbon tạo thêm nguồn lực về tài chính, hỗ trợ trực tiếp vào việc giảm phát thải…

Hiện nay, giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỉ đô la Mỹ. Theo ông Trai, thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình Net Zero 2050.

Các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển. Với đặc thù về mật độ rừng tương đối dày, tầm 14,7 triệu hecta (tương đương độ phủ 42%, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu hecta và rừng trồng hơn 4 triệu hecta), về lý thuyết, theo ông Trai, đất nước có thể thu về hàng trăm triệu đô la hàng năm thông qua hệ thống giao dịch quốc tế (ETS).

Bên cạnh đó, cơ hội từ các dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch) cũng được định giá bằng hàng triệu tín chỉ carbon, thông qua các dự án về điện mặt trời, điện gió, thủy điện (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành năng lượng sạch). Với các nguồn năng lượng tái tạo này, thị trường sẽ giao dịch bằng các chứng chỉ năng lượng tái tạo, REC (Renewal Energy Certificate).

Song song đó, việc xây dựng các dự án Plastic Credit (tín chỉ nhựa) cũng đang hình thành và tạo nên nguồn thu tiềm năng trong quá trình thu hồi và tái chế nhựa, hỗ trợ tích cực đến quá trình triển khai “trách nhiêm mở rông của nhà sản xuất – EPR Extended Producer Responsibility“ theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020.

“Nói như vậy để thấy rằng Việt Nam hiện nay không hề đứng ngoài dòng chảy của thế giới, mà đang chuyển động cùng để có thể hướng đến và xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đã chia sẽ về những hoạt động của mình hướng tới phát triển bền vững, sản xuất xanh – thân thiện với môi trường. Đồng thời, thảo luận về vai trò của báo chí truyền thông đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, định hướng – hỗ trợ doanh nghiệp trước những sự cố về thông tin hay phản biện cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến khẳng định, báo chí truyền thông sẽ luôn là người bạn đồng hành, sát cánh đáng tin cậy của doanh nghiệp trên con đường phát triển xanh và cùng hành động để hướng đến Net-zero vào năm 2025 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Lê Hoàng

Tại chương trình, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh cũng phát động Giải thưởng “Báo chí Phát triển xanh” lần thứ nhất (2023 – 2025).

Giải thưởng là dịp để tôn vinh những giải pháp công nghệ, con người điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xây dựng thị trường carbon… phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Giải thưởng được kỳ vọng sẽ là một sân chơi về nghiệp vụ cho các thành viên câu lạc bộ; ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tín viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm báo chí chất lượng tốt viết về phát triển xanh.