Cần cơ chế thử nghiệm cho doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn

(KTSG Online) – Trong thời gian qua, nhà nước, doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận với khái niệm kinh tế tuần hoàn và theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần có cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn mà ở đó có một không gian đủ rộng cho doanh nghiệp để thực hiện điều này.

Dự án Tuabin điện gió với chiều cao 100m tại khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II. Ảnh: DNCC

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức ngày 4-8, theo baochinhphu.vn.

Theo các chuyên gia, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh cũng đang góp phần gia tăng thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Vì thế, những thách thức đó đặt ra yêu cầu Việt Nam phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng…

Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm được nhà nước, doanh nghiệp và người dân tiếp cận trong vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, CIEM đã có nghiên cứu liên quan và trên cơ sở đó đã có những đề xuất cho lĩnh vực này. Một trong những đề xuất ấy là Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất, gắn với số hóa và các giải pháp cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, việc tối ưu hóa liên kết sản xuất, quan hệ đầu vào-đầu ra giữa các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, giữa các cấu phần trong mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dựa vào các công nghệ 4.0, trong đó có dữ liệu lớn, internet vạn vật….

Theo đó các ngành được lựa chọn thử nghiệm phải có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt ưu tiên các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn. Các công cụ chính sách được thử nghiệm cũng phải bảo đảm tập trung, thực chất, tránh tràn lan để “đếm số lượng”.

Theo các chuyên gia, Việt Nam muốn hưởng lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm chuyển đổi, phát triển thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan.

Do đó, cần sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ, gồm cả tính động lực và an toàn cho phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp…) mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương.

Ngày 7-6-2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ký quyết định Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Đề án này là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định này đã đặt ra cách tiếp cận hướng nhiều hơn tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”. Cũng theo Quyết định 687, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

C.P