(KTSG Online) – Theo kinh nghiệm của mình, các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) cho rằng Việt Nam nên chú trọng phát triển ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) để xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững, góp phần phát triển kinh tế trong nước cũng như thu hút được các FDI chất lượng cao đầu tư.
Ngày 24-3, tại TPHCM, Đại sứ quán Bắc Âu tại Việt Nam đã hợp tác với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức hội thảo về “ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) – Mô hình Kinh doanh để phát triển bền vững” nhân Ngày Bắc Âu 2022 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm từ các nước Bắc Âu về các vấn đề thiết thực đối với Việt Nam.
Hội thảo có sự góp mặt của Đại sứ bốn nước Bắc Âu, các diễn giả đã chia sẻ thực tiễn và kinh nghiệm tốt của các nước Bắc Âu, đặc biệt là các cơ chế tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, người dân về ESG và điều này có ảnh hưởng tích cực như thế nào đến các xã hội Bắc Âu hiện tại.
Qua kinh nghiệm thực tiễn đó, các nước Bắc Âu hy vọng Việt Nam sẽ có thể đưa ra được một mô hình phát triển kinh tế bền vững trong những năm tới. Đặc biệt, với kinh nghiệm của mình, các nước Bắc Âu cho rằng việc chú trọng phát triển ESG sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời cũng gia tăng sự thu hút đầu tư bởi các FDI chất lượng cao.
“Cũng cần lưu ý rằng FDI chất lượng cao sẽ tìm kiếm các nền kinh tế đang phát triển chú trọng tuân thủ các nguyên tắc ESG. Hơn nữa, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, quyền và vai trò của người tiêu dùng ngày càng quan trọng và người tiêu dùng ngày nay yêu cầu khắt khe việc sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia coi trọng ESG”, Đại sứ các nước Bắc Âu lưu ý trong buổi hội thảo.
Về phía nhà đầu tư, ông Phạm Nguyên Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Quỹ Dragon Capital cho biết Dragon Capital ủng hộ việc phát triển ESG tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và cộng đồng trong nước mà còn thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt về thu hút vốn nước ngoài và giúp tránh sự biến động quá lớn của dòng vốn”, ông Phạm Nguyên Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, Việt Nam sẽ sớm đưa vào hoạt động sàn giao dịch tín chỉ carbon, vì vậy các doanh nghiệp trong nước cũng như chính phủ Việt Nam và các địa phương cũng cần có những chính sách để phát triển kinh tế bền vững nói chung và ESG nói riêng để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản cho thấy định hướng phát triển kinh tế bền vững, mới nhất là Nghị định Số 06/2022/ND-CP, ngày 07-01-2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon trong nước và Quyết định số 01/2022/QD-TTg, ngày 18-01-2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Không chỉ thu hút nhà đầu tư chất lượng cao, ESG còn là phương cách để đảm bảo một nền kinh tế bền vững hơn, dễ dàng thích ứng được với những biến động lớn trên thị trường như dịch Covid-19 hơn.
“Các doanh nghiệp đặt trọng tâm vào ESG không chỉ bền vững hơn mà còn chống chịu tốt hơn trước những cú sốc như đại dịch Covid-19. Tương lai thuộc sẽ về những công ty biết tận dụng tối đa hiểu biết, kỹ năng của các nhân viên, nhằm tạo ra khả năng cạnh tranh, năng suất, lợi nhuận và thành công. Việc đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Đối thoại tại nơi làm việc hiệu quả đem lại sức mạnh về đổi mới sáng tạo của mỗi doanh nghiệp. Còn ở cấp vĩ mô, tổ chức triển khai đối thoại giữa các bên liên quan trong thị trường lao động – như giữa liên đoàn lao động và đại diện người sử dụng lao động – sẽ góp phần mạnh mẽ vào sự ổn định kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bà Christine Bäckström, Giám đốc điều hành của Hội đồng Quốc tế ngành Công nghiệp (Thụy Điển) lưu ý.
Theo các chuyên gia, dù ESG được phát triển bởi và dành cho khu vực tư nhân, nhưng cách tiếp cận này đề cập đến nhiều vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác giữa khu vực công và tư. Sự hợp tác này, đảm bảo sử dụng bền vững năng lượng và tài nguyên, xây dựng các chính sách an sinh xã hội cũng như phòng chống tham nhũng là những nhiệm vụ mà các chủ thể nhà nước và tư nhân đều có vai trò thiết yếu.
“Về mặt tổng quan, ESG (hay Môi trường, Xã hội và Quản trị) là việc xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình ra quyết định đầu tư. Cụm từ này thường được sử dụng thay thế cho đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Những nguyên tắc này cũng có thể áp dụng trong khu vực công của chính phủ do đóng góp quan trọng của khu vực này vào sự phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19”, Đại sứ các nước Bắc Âu cho biết thêm.
Về bản chất, đây đều là những thách thức toàn cầu mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Đối với thị trường lao động, trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam năm 2021, các ngành sản xuất/xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ … tiếp tục chịu thách thức thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như bộc lộ những lỗ hổng kinh tế và xã hội đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Bên cạnh đó, việc củng cố hệ thống pháp luật thông qua luật lao động sửa đổi và cam kết phê chuẩn tất cả các công ước cốt lõi của ILO, cũng như triển khai các cam kết đầy tham vọng sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) tại Glasgow vào tháng 11 năm 2021, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thì cách tiếp cận ESG hứa hẹn sẽ đưa ra câu trả lời cho những thách thức chung cho cả khu vực công và tư nhân tại Việt Nam.
Thuật ngữ ESG lần đầu tiên nhắc đến là trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt có tên “Who Cares Wins” (tạm dịch “Ai quan tâm sẽ chiến thắng”). Nghiên cứu nằm trong hội nghị quốc tế của Liên Hợp Quốc năm 2004, lần đầu tiên quy tụ tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong quản lý tài sản và nghiên cứu tài chính.
Trong chưa đầy 20 năm, ban đầu chỉ là một khung sáng kiến của Liên Hợp Quốc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ESG đã phát triển vượt bậc trở thành một hiện tượng toàn cầu.Cách tiếp cận ESG gồm các tiêu chí thành phần, như sau:Các tiêu chí môi trường bao gồm các hoạt động liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, chẳng hạn như có sử dụng hay không các nguồn năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm không khí, nguồn nước do hoạt động doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến phá rừng, hoặc sử dụng bền vững tài nguyên đất và bảo vệ đa dạng sinh học.
Các tiêu chí xã hội bao gồm hàng loạt các vấn đề khác nhau, trong đó quan trọng là mối quan hệ của doanh nghiệp với chính nhân viên trong công ty mình; Chẳng hạn nhân viên có được trả lương công bằng không và doanh nghiệp có tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hay không? Người sử dụng lao động có duy trì các chương trình an sinh xã hội và bảo đảm thể chất ra sao? Và các hoạt động được triển khai như thế nào để thúc đẩy sự đa dạng, đặc biệt bình đẳng giới? Ngoài ra, tiêu chí cũng đặt ra việc liệu một doanh nghiệp có những đóng góp mang lại lợi ích xã hội bao trùm không, chẳng hạn như góp phần vào việc tôn trọng quyền con người.
Các tiêu chí quản trị tốt, trong khuôn khổ ESG, là về cách thức một công ty được quản lý một cách có trách nhiệm và bền vững. Thí dụ, điều này bao gồm việc hướng tới sự minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình và coi đây là những yếu tố chủ chốt trong chiến lược của công ty. Điều này bao gồm phòng chống tham nhũng và công bằng trong nộp thuế.
Thiên Hà