(KTSG Online) – Tăng trưởng xanh là chủ đề được quan tâm trên toàn cầu bởi những lợi ích và triển vọng tươi sáng của đầu tư xanh, chuyển đổi xanh, ESG (công bố thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị) mang lại, nhưng việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là một yêu cầu khó với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam vì chưa có hạ tầng xanh và tỷ trọng của GDP cho đầu tư xanh sẽ phải cao hơn các nước phát triển.
- Việt Nam – Singapore ký kết hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế số
- Làm nông thời kinh tế xanh: Trồng lúa bán tín chỉ khí… carbon
Một thống kê của Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tỷ trọng tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại không đồng đều, chỉ tập trung ở các tổ chức tín dụng (TCTD) lớn như Vietcombank với dư nợ đạt 40.000 tỉ đồng, Agribank hay BIDV với dư nợ trên 66.000 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, động lực tăng trưởng tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh tại các thị trường tài chính như Mỹ, châu Âu chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường thì ở Việt Nam, tăng trưởng tín dụng xanh vẫn chỉ xuất phát từ tác động của NHNN và Bộ Tài chính.
Vì sao doanh nghiệp chậm chuyển đổi xanh?
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết ngành đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Chính phủ ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 26,3 tỉ đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, dệt may hiện cũng đang chịu nhiều áp lực từ các thị trường và nhãn hàng, nhất là châu Âu, với các đòi hỏi về tiêu chí xanh, gồm khí thải, nước thải, môi trường làm việc… ngày càng khắt khe.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), bày tỏ sự sốt ruột của các doanh nghiệp trong triển khai tài chính xanh và thị trường carbon. Theo ông, điều doanh nghiệp quan tâm nhất gồm “Doanh nghiệp bắt đầu như thế nào?”, “Ai cấp cho doanh nghiệp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào?”, “Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp?”, nhưng những thay đổi về môi trường pháp lý hiện rất chậm, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện chuyển đổi xanh sớm hơn.
“Với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, hiện cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc vì nước tới chân rồi, giờ không “xanh” thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được cả”, ông Hoà nói và cho biết nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn, nên cần sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện.
Cũng theo vị này, để chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Nhưng phần lớn nghiệp Việt Nam hiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên để mỗi doanh nghiệp tự đứng ra phát hành trái phiếu xanh là rất khó.
Ông Trường An, đại diện Tập đoàn CT Group – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, cho biết các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh nếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu việc tiêu thụ năng lượng trong các khu công nghiệp, nhà máy và lĩnh vực logictics; phát triển vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các quốc gia phát triển như Pháp, Israel, Thuỵ Sĩ… vì các quốc gia này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Không chỉ các doanh nghiệp, ngân hàng – với vai trò đơn vị cung ứng vốn – cũng thừa nhận cơ chế tài chính xanh vẫn chưa thực sự được phát triển do các vướng mắc chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban tài trợ dự án của BIDV, cho biết Việt Nam chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể trong việc xác định và phân loại dự án xanh.
Ngoài ra, hành lang pháp lý để triển khai quản lý rủi ro môi trường – xã hội, tín dụng xanh mới chỉ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Cụ thể, mới chỉ có Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định của Thủ tướng về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang trong quá trình hoàn thiện.
Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh, nhất là khi tăng trưởng xanh đang trở thành xu thế và ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tự nhận là “xanh”, nhưng chưa chứng minh hiệu quả của các hoạt động, dự án với môi trường.
Một vướng mắc khác được đại diện BIDV nêu ra là phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại, TCTD là vốn ngắn hạn. Trong khi các dự án xanh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, trồng rừng… lại có thời gian hoàn vốn dài và rủi ro rất cao.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự thẩm định tín dụng vẫn còn hạn chế kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững cũng là một trong những khó khăn khiến hoạt động ngân hàng xanh chưa thực sự phát triển.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất, theo ông Hưng, là những chính sách mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích chung, chưa tạo ra nhiều cơ chế thực sự mang tính hỗ trợ cho các TCTD đẩy mạnh hoạt động ngân hàng xanh, dù NHNN và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực.
Theo vị này, hiện chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với TCTD có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn/kênh tiếp cận nguồn vốn thực sự hiệu quả để các TCTD đẩy mạnh tín dụng xanh.
“Phần lớn nguồn vốn huy động của các TCTD là vốn ngắn hạn trong khi nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay”, ông Hưng giải thích.
Mở lối cho tín dụng xanh
Để đáp ứng vốn cho các dự án đầu tư, chuyển đổi xanh, các ngân hàng đã sớm bắt tay vào việc phát triển tín dụng xanh trong nước. Tại Agribank, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỉ đồng tính tới 31-12-2022, chiếm khoảng 1% dư nợ cho vay nền kinh tế, tập trung các lĩnh vực như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh.
VPBank vừa ký thu xếp tài chính khoản vay 300 triệu đô la, tương đương 7.200 tỉ đồng, với Tổ chức phát triển tài chính Mỹ DFC nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Khoản vay với thời hạn 7 năm giúp VPBank củng cố nền tảng vốn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch danh mục đầu tư vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu và công nghệ phát thải carbon thấp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay còn thấp và mới chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế, theo thống kê của NHNN. Con số này vẫn còn cách khá xa mục tiêu 10% tổng dư nợ nền kinh tế vào cuối năm 2025.
Để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, nhấn mạnh cần sớm ban hành “danh mục phân loại xanh”, là căn cứ để các TCTD thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Ngoài ra, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong đó làm rõ vai trò tham gia của các định chế tài chính, các TCTD trong triển khai, thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng sớm ban hành tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh.
Với dự thảo Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, vị này cho rằng việc xây dựng, ban hành quy định chung về danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết với các TCTD, góp phần thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả việc quản lý, điều hành với hoạt động tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Theo ông Hưng, những quy định này được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng trên cơ sở tham vấn danh mục dự án xanh, dự án đáp ứng tiêu chí môi trường của các quốc gia, tổ chức chuyên môn quốc tế. Do đó, việc áp dụng sẽ giúp các TCTD triển khai hoạt động tín dụng xanh tiệm cận với tiêu chuẩn chung của thế giới, đồng thời đáp ứng các điều kiện của nhà tài trợ, góp phần thu hút nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi quốc tế cho lĩnh vực tín dụng xanh, phát triển bền vững.
Theo quy định tại dự thảo, Giấy xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh là cơ sở để thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước theo quy định, ông Hưng đề xuất bổ sung hướng dẫn TCTD cách thức xử lý trong trường hợp Giấy xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh của khách hàng vay vốn bị thu hồi.
Cũng theo đại diện BIDV, cần có cơ chế khuyến khích áp dụng cho các TCTD khi triển khai cấp tín dụng xanh, gồm: nghiên cứu đưa ra cơ chế đánh giá ưu tiên đối với các TCTD có thành tích tốt trong hoạt động tín dụng xanh khi đánh giá, xếp loại TCTD. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng có tốc độ, quy mô triển khai cấp tín dụng xanh, có đóng góp thiết thực cho việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
“Hỗ trợ tái cấp vốn ưu đãi hoặc tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các định chế quốc tế để họ gia tăng thêm nguồn vốn giá rẻ, qua đó tài trợ cho nhu cầu tín dụng xanh. Ngoài ra, có thể giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với các khoản vay tài trợ dự án xanh, tương tự như cơ chế áp dụng cho khoản vay mua nhà ở xã hội tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016 của NHNN”, ông Hưng đề xuất.
Bổ sung, ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia, gợi ý việc tích hợp các rủi ro môi trường vào khung quản trị rủi ro toàn ngân hàng. Liên tục giám sát và đo lường các rủi ro môi trường đối với các dự án và các khoản tín dụng xanh đã cung cấp cho khách hàng.
“Việc kiểm soát phải được thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu thẩm định nhằm hạn chế cấp tín dụng cho các dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội, đồng thời giám sát thường xuyên khoản tín dụng đã cấp sẽ góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, đặc biệt giúp các ngân hàng tránh được các hành vi “tẩy xanh” từ khách hàng”, ông Hiếu phân tích.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, TS Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh (TPX) của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành TPX phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.
Chẳng hạn, với mục tiêu không phát thải, chính quyền địa phương có thể sử dụng các nguồn tài chính xanh, gồm phát hành TPX của chính quyền địa phương để đầu tư một phần hoặc toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, như: điện gió ngoài khơi, điện mặt trời áp mái; hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; xây dựng hệ thống rác phát điện từ rác thải sinh hoạt thay vì chôn lấp như hiện nay; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.
Để làm được việc này, ông Văn cho rằng chính quyền địa phương có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, gồm: tổng mức đầu tư; đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh; việc huy động vốn, ấn định lãi suất; thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó, lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hoặc trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành.
Để TPX phổ biến tại Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề, gồm: sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; thẩm định dự án chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng phải thật minh bạch.
Với yêu cầu trên, TS Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ.
“Nếu Việt Nam chuyển động chậm, thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là ‘nói cho vui’ chứ khó triển khai trên thực tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thực tế, khoảng 2.000 tỉ đô la TPX đã được phát hành trên toàn cầu – bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu, theo đánh giá của Climate Bonds Initiative (CBI). Con số này dự kiến là 5.000 tỉ đô la vào năm 2025. TPX chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải zero carbon, xử lý rác thải… Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức và Hà Lan là các quốc gia phát hành nhiều trái phiếu xanh nhất.
Vân Phong