(KTSG Online) – Hôm 18-8, Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu lên đến 254% đối với các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc hoàn thiện sản phẩm của họ ở các nước Đông Nam Á để né thuế đối với pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất.
- Pin mặt trời Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ được miễn thuế trong hai năm
- Trung Quốc xem xét cấm xuất khẩu công nghệ pin mặt trời
Quyết định trên vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp Mỹ dưa vào sản phẩm pin mặt trời giá rẻ được sản xuất ở nước ngoài để tăng tính cạnh tranh cho các dự án năng lượng tái tạo của họ.
Nhưng đây là tin tốt cho ngành sản xuất tấm pin mặt trời có quy mô nhỏ của Mỹ, vốn chật vật cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trong nhiều năm và đang được đầu tư mới nhờ nguồn trợ cấp từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).
Cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ, công bố vào cuối năm ngoái, chỉ ra rằng, các đơn vị của những công ty Trung Quốc như BYD Trina Solar, Vina Solar và Canadian Solar đã né thuế của Mỹ đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc bằng cách tiến hành gia công nhỏ để hoàn thiện sản phẩm tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Những nước Đông Nam Á này chiếm khoảng 80% nguồn cung tấm pin mặt trời của Mỹ.
Cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ được tiến hành vào tháng 3-2022 để phản hồi đơn khiếu nại của Auxin Solar, nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ áp thuế phạt đối với New East Solar (Campuchia) vì công ty từ chối hợp tác với một cuộc kiểm toán tại chỗ đối với các hoạt động của họ ở Campuchia.
Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, để được miễn trừ áp thuế, các công ty sản xuất tấm pin mặt trời ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có thể theo đuổi quy trình chứng nhận để chứng minh rằng sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để được chứng nhận, tế bào năng lượng mặt trời và tấm pin mặt trời của họ phải sử dụng các tấm wafer và ba thành phần quan trọng khác không phải do Trung Quốc sản xuất.
Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá trong một thập niên đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất sau khi một cuộc điều tra của Bộ Thương mại phát hiện thấy, các công ty Trung Quốc nhận trợ cấp của chính phủ, giúp giá bạn của họ ở mức thấp giả tạo.
Các công ty gia công hoàn thiện tấm pin mặt trời có nguồn gốc từ Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ chịu mức thuế phạt lên đến 254%.
Tuy nhiên, chính sách thuế này chỉ triển khai kể từ tháng 6-2024 sau khi Tổng thống Joe Biden miễn trừ thực thi trong hai năm nhằm đảm bảo nguồn cung tấm pin mặt trước khi sản lượng trong nước tăng lên.
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ cho biết, quyết định áp thuế trên của Bộ Thương mại Mỹ sẽ cản trở cơn bùng nổ sản xuất năng lượng mặt trời được thúc đẩy nhờ đạo luật IRA.
“Bộ Thương mại Mỹ không tuân theo các mục tiêu năng lượng sạch của chính phủ. Về cơ bản, chúng tôi không đồng ý với quyết định của họ”, Abigail Ross Hopper, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ, nói.
Chi phí của các dự án năng lượng mặt trời là vấn đề cực kỳ quan trọng khi Mỹ chạy đua để đạt mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính trong ngành điện vào vào năm 2035. Hiện tại, ngành điện chiếm khoảng 25% tổng lượng khí thải hàng năm của Mỹ.
Trina Solar, có trụ sở ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), cho biết công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào hoạt động sản xuất tấm pin và mô-đun năng lượng ở Thái Lan và Việt Nam. Công ty đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
“Quyết định này sẽ làm tăng chi phí tổng thể của hầu như tất cả các sản phẩm năng lượng mặt trời của Mỹ vì nó sẽ hạn chế nguồn cung vào thời điểm nhu cầu về năng lượng mặt trời đang tăng vọt”, Trina Solar cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Mamun Rashid, CEO của Auxin Solar, hoan nghênh quyết định trên.
“Trong nhiều năm, người Trung Quốc đã coi thường luật phòng vệ thương mại của Mỹ và ngày nay, với các quyết định chống né thuế của Bộ Thương mại Mỹ đối với (hoạt đông hoàn thiện tấm pin mặt trời của Trung Quốc) ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, chúng tôi đã bịt thành công những kẽ hở này”, Rashid nói.
Khánh Lan
Theo Reuters, NPR