(KTSG Online) – Các công ty bán các sản phẩm hàng ngày như giày da, cà phê và đậu nành sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm phải chứng minh các sản phẩm của họ không gây mất rừng theo các quy định mới của EU.
- EU cấm các sản phẩm nông nghiệp có liên quan đến phá rừng
- Thách thức mới khi EU ‘chặn’ dòng sản phẩm phát thải carbon cao
Hôm 29-6, Quy định của EU về chuỗi cung ứng không phá rừng chính thức có hiệu lực, đòi hỏi các công ty chứng minh nguồn gốc “sạch” (không gây mất rừng) của 7 mặt hàng nhập khẩu ở EU gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ, cùng các sản phẩm phái sinh như thịt bò, đồ nội thất, giày da hay chocolate. Các công ty lớn có 18 tháng để chuẩn bị tuân thủ các quy định mới và thời gian dành cho các công ty nhỏ hơn là 24 tháng.
Gần 40% trong số 500 công ty lớn nhất thế giới sử dụng 7 mặt hàng chịu sự điều chỉnh của các quy định mới của EU không có chính sách về chống phá rừng trong chuỗi ứng của họ, theo tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Global Canopy. Tổ chức này ước tính ít nhất 37 công ty lớn có trụ sở tại Mỹ, bao gồm cả chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks và nhà sản xuất thực phẩm Kellogg, sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định mới.
“Chúng tôi đang xem xét các quy định mới của EU và làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu của chúng tôi để chuẩn bị tuân thủ”, người phát ngôn của Kellogg nói.
Các doanh nghiệp sẽ cần xác định chính xác lô đất nơi 7 sản phẩm nói trên được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020. Họ sẽ cần cung cấp bằng chứng để thẩm định, có thể sẽ bao gồm hình ảnh vệ tinh. Planet Labs và Starling, hai doanh nghiệp sử dụng vệ tinh để giám sát việc sử dụng đất, cho biết các công ty Mỹ đang quan tâm đến dịch vụ của họ vì các quy định mới của EU.
Các công ty không đáp ứng các quy định mới sẽ bị phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ ở EU. Luật yêu cầu các cơ quan chức năng ở các nước thành viên của EU kiểm tra 9% lô hàng đến từ các các nước được coi là có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước được dán nhãn rủi ro tiêu chuẩn và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp.
Các công ty vẫn đang chờ EU cung cấp danh sách các nước được dán nhãn là có nguy cơ phá rừng cao. Các nước như Brazil, Indonesia và Malaysia đang vận động hành lang chống lại việc bị xếp vào danh sách có rủi ro cao, vì lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của họ.
Theo Viện Tài nguyên Thế giới, trong năm 2022, diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới hoặc rừng trưởng thành bị mất trên toàn cầu lên tới 4,1 triệu hecta tương đương với việc mất khu rừng có diện tích bằng 11 sân bóng đá trong một phút.
Nhiều công ty đã nỗ lực kiểm soát chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, chính sách giảm phá rừng tự nguyện của họ đã thất bại, bao gồm cả cam kết năm 2010 của tổ chức Diễn đàn Hàng tiêu dùng (Pháp) nhằm chấm dứt phá rừng trong chuỗi cung ứng của hơn 400 thành viên của diễn đàn này vào năm 2020. Năm 2014, trong Tuyên bố New York về Rừng, hơn 200 công ty cam kết sẽ loại bỏ nạn phá rừng vào năm 2030, nhưng họ đã bỏ lỡ mục tiêu tạm thời giảm một nửa nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng của họ vào năm 2020.
Kellogg đã ủng hộ cả hai cam kết nói trên. Trong một báo cáo năm 2020, công ty xác định có nhiều lý do dẫn đến thất bại về chính sách giảm phá rừng tự nguyện, bao gồm thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức, các quy định không nhất quán và quyền sở hữu nhà cung cấp không minh bạch.
Các quy định mới của EU nhằm mục đích giảm thiểu việc phá rừng để phục vụ hoạt động kinh tế và chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, tình trạng mất và phá rừng do tất cả nguyên nhân đóng góp khoảng 10% trong vấn đề nóng lên toàn cầu.
“Chống phá rừng là nhiệm vụ cấp bách của thế hệ này và là di sản to lớn để lại cho thế hệ sau”, Frans Timmermans, đặc phái viên về khí hậu của EU đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói khi EU được thỏa thuận chính trị về các quy định cấm sản phẩm liên quan đến phá rừng vào tháng 12 năm ngoái.
Các quy định của EU áp dụng cho các công ty đáp ứng định nghĩa rộng của khối về “nhà điều hành”, bao gồm doanh nghiệp nhập khẩu vào EU, xuất khẩu từ EU hoặc đưa sản phẩm ra thị trường của khối. Các nhà điều hành có thể là các doanh nghiệp ở EU cung ứng cho các công ty kinh hóa nông nghiệp lớn như Cargill và Bunge (Mỹ), nhưng cũng có thể là các công ty con của họ ở EU nhập khẩu hàng hóa để sản xuất và bán sản phẩm.
Guillaume Croisant, luật sư của hãng luật Linklaters có trụ sở tại Brussels, nói rằng vì các quy định mới sẽ được thực thi bởi cơ quan chức năng của các nước thành viên EU nên có thể có sự khác biệt vì “một số cơ quan có thể nghiêm khắc hơn”.
EU ước tính tổng chi phí thẩm định để các nhà nhập khẩu tuân thủ các quy định mới có thể lên tới 2,6 tỉ euro mỗi năm.
Theo phân tích của ngân hàng Barclays, các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh như cà phê, ca cao, dầu cọ và đậu nành có thể phải chịu chi phí tuân thủ lớn từ các yêu cầu báo cáo vị trí địa lý chính xác của nơi sản phẩm được sản xuất, cũng như khả năng phải tổ chức lại chuỗi cung ứng để tuân thủ các quy định mới của EU.
Các quy định của EU sẽ trở nên chặt chẽ hơn theo thời gian. EU sẽ xem xét mở rộng danh sách các sản phẩm chịu sự chi phối của các quy định mới theo định kỳ. Một số nhà hoạch định chính sách đang thúc đẩy việc đưa bắp vào danh này.
Tại Mỹ, các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội đang thúc đẩy các quy định tương tự trong Đạo luật Lâm nghiệp. Thượng nghị sĩ Brian Schatz, người đang dẫn đầu nỗ lực này, cho rằng Mỹ cần theo tiếp bước EU trong việc ban hành các quy định về thương mại chống phá rừng.
Ông nói: “Nếu chúng ta không làm gì, thị trường Mỹ sẽ trở thành bãi rác cho những hàng hóa không còn đường vào châu Âu”.
Chánh Tài
Theo WSJ