Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh đang buộc các doanh nghiệp phải “nhảy” vào cuộc đua sản xuất xanh. Nhưng muốn sản xuất xanh, phải bắt đầu tư chuỗi cung ứng xanh.
Cung ứng xanh, khởi đầu của sản xuất xanh
Sản xuất xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, khi nhiều quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, đã coi tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt sau những cam kết của chính phủ từ sau COP26 tại Glasgow, UK
Sản xuất xanh là quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho con người. Chính vì vậy, muốn sản xuất xanh, phải bắt đầu từ chuỗi cung ứng xanh, từ nguyên liệu xanh.
Đó chính là lý do vì sao ngày càng nhiều nhà sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau đã đồng loạt hướng đến sản xuất xanh, và khởi đầu với chuỗi cung ứng xanh. Sản xuất xanh không chỉ được thúc đẩy phát triển trong ngành công nghiệp lớn mà còn lan rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, da giày, Zara cam kết đến năm 2025, chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ hoặc tái chế để làm quần áo; còn H&M đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chỉ dùng loại nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm.
Trong khi đó Nike còn đưa ra sáng kiến các mục tiêu dựa trên khoa học, kêu gọi các doanh nghiệp đi đầu trên con đường hướng đến một nền kinh tế phát thải carbon bằng “0”. Trong một hoạt hành động của mình, Giám đốc Phát triển Bền vững của Nike, Noel Kinder cho biết, cam kết của Nike là giảm 65% phát thải khí nhà kính ở những nơi do Nike sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030.
“Một trong những trọng tâm của chúng tôi chính là sử dụng vật liệu carbon thấp và phi carbon hóa chuỗi cung ứng. Thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nhiên liệu thay thế, chúng tôi sẽ cắt giảm mức phát thải khí nhà kính từ hoạt động của các nhà cung cấp chính”, ông Noel Kinder nói và cho biết, ở Việt Nam, Nike cũng đã nỗ lực hợp tác với các nhà sản xuất để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái các nhà xưởng của họ.
Không chỉ vậy, do các yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, các nhà sản xuất gỗ, chế biến thủy hải sản Việt Nam cũng đã nỗ lực tuân thủ các quy định về nguồn gốc, xuất xứ, nhất là với gỗ khai thác trái phép…
Ngay cả trong lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đặt ra nhiều tiêu chí về nguyên vật liệu xây dựng, khuyến khích các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên môi trường. Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, nhà đầu tư sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi thực hiện “Phát triển xanh”. Chẳng hạn, trong giai đoạn toàn ngành đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, thì việc đầu tư phát triển xanh sẽ giúp chủ đầu tư thể hiện được cam kết, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm với Chính phủ cũng như toàn xã hội. Hơn nữa, khi đưa các tiêu chí bền vững vào dự án bất động sản, nhà đầu tư sẽ thu về nhiều lợi ích khác nhau trong dài hạn.
Nghiên cứu của Savills World Research vào năm 2021 đã chỉ ra rằng, lợi ích lớn nhất tòa nhà xanh mang lại là góp phần gây dựng danh tiếng doanh nghiệp. Thống kê bởi Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tính đến quý III/2021, số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh tại Việt Nam là 201. “Đây chưa phải là một con số lớn trong thị trường. Bởi vậy, nếu chủ đầu tư nắm bắt được khoảng trống này và xây dựng các dự án theo chuẩn bền vững, họ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và có khả năng sinh lời cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường”, đại diện của Savills Việt Nam cho biết. Để có được các tòa nhà xanh, theo bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội, thì với các dự án chưa thi công, nhà phát triển cần có những tính toán cẩn thận ngay từ giai đoạn tìm kiếm và lựa chọn nguyên vật liệu.
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, hai vật liệu công nghiệp phổ biến nhất trên thị trường, thép và xi măng, thực chất là các tác nhân thải ra lượng khí CO2 lớn nhất toàn cầu trong năm 2021, chiếm thị phần 14-16%. Chính vì vậy, nhà phát triển có thể cân nhắc các lựa chọn thay thế an toàn và thân thiện với môi trường hơn.
Còn khi dự án đã đi vào hoạt động, thì chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý dự án để cùng đưa ra những giải pháp bền vững kịp thời, chẳng hạn về chiếu sáng, sử dụng năng lượng…
Không chỉ là các tòa nhà bất động sản thông thường, làm nhà ở hay văn phòng, mà việc hình thành nhà máy xanh cũng đang dần trở thành một xu hướng tất yếu. Xây dựng và thiết lập hệ thống nhà máy xanh được coi là một trong những bước chuyển mình quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Xây chiến lược tạo nguồn cung ứng có trách nhiệm
Phát triển theo hướng bền vững là một bước chuyển lớn đối với ngành bất động sản. Hành trình này yêu cầu sự tham gia từ nhiều phía, bao gồm cả các nhà cung cấp nguyên, vật liệu xây dựng và đòi hỏi chiến lược đầu tư bài bản kéo dài.
NS BlueScope Việt Nam, một doanh nghiệp thép đến từ Úc, đã tiên phong với những chiến lược về phát triển bền vững. Trong chiến lược của mình, NS BlueScope đã đề ra một loạt nguyên tắc, về tính chính trực và minh bạch, bao gồm cả chống hối lộ, chống tham nhũng và tuân thủ pháp luật; về đảm bảo môi trường bền vững, chống biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng bền vững… “Một trong những nguyên tắc của chúng tôi là đảm bảo chuỗi cung ứng xanh, và những yêu cầu về thép có trách nhiệm”, đại diện NS BlueScope nói và cho biết, hưởng ứng các cam kết của Chính phủ tại COP26, NS BlueScope cũng sẽ không ngừng đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ tái tạo để nâng cao hiệu quả trong hệ thống vận hành, cũng như để thực hiện mục tiêu phát triển môi trường bền vững giai đoạn 2022-2050.
Theo đó, các biện pháp như thiết lập và tham gia các chương trình thu hồi sản phẩm tại các thị trường lớn, giảm thiểu chất thải sản xuất đến các bãi chôn lấp ít nhất 50%, phát triển vật liệu tái chế để thay thế cho vật liệu chính cũng sẽ được áp dụng.
BlueScope cũng đã đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, với các lộ trình rất cụ thể. Đến năm 2030, sẽ giảm 30% cường độ phát thải carbon. Con số này vào năm 2035 là giảm 40%; còn năm 2040 là giảm 50% cường độ phát thải carbon.
Không những vậy, NS BlueScope Nam vẫn đang nỗ lực để “xanh hóa” sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường. Đầu tháng 2 vừa qua, các dòng sản phẩm tôn cao cấp của NS BlueScope ứng dụng trong phân khúc công nghiệp, dân dụng và dành riêng cho sanwich panel như: Tôn COLORBOND®, SUMO™ Antifading, COLORBOND® For Panel, SUMO™ For Panel, BlueScope Zacs® và Zincalume® đã đạt chứng nhận Nhãn Xanh (Green Label) từ Hiệp hội Công trình Xanh Singapore.
Tiếp nối chiến lược ấy, NS BlueScope Lysaght trực thuộc tập đoàn BlueScope, chuyên cung cấp giải pháp thép ưu việt cho các công trình công nghiệp và dân dụng, hợp tác cùng với các doanh nghiệp đầu ngành để thúc đẩy xu hướng kiến trúc cân bằng năng lượng từ khâu thiết kế, tư vấn cho đến thi công cho chủ đầu tư trong và ngoài nước. Điều này góp phần tạo nên những chuẩn mực “xanh” trong ngành xây dựng tại Việt Nam.
“Với nỗ lực không ngừng nghỉ trong phát triển bền vững, NS BlueScope Việt Nam từng bước khẳng định luôn là một nhà cung ứng có trách nhiệm.”